Viêm xoang là một bệnh rất phổ biến hiện nay, do hiện tượng nhiễm trùng của các xoang. Đó là tình trạng nhiễm trùng của màng niêm mạc lót trong lòng các xoang gây ra bởi vi trùng, siêu vi trùng hay dị ứng dẫn tới phù nề, thu hẹp đường kính các lỗ xoang làm cho mủ và dịch viêm ứ đọng trong xoang do không thoát được ra ngoài.
Mục Lục
I. Các Khái Niệm Về Viêm Xoang.
1. Bệnh Viêm Xoang Là Gì?
Theo các chuyên gia tai mũi họng, viêm xoang (tiếng anh là Sinusitis) là tình trạng viêm và sưng ở niêm mạc xoang. Thông thường, các xoang (một hệ thống hốc rỗng nằm trong xương sọ, bao quanh mắt, trán, mũi, răng hàm) khỏe mạnh sẽ chứa đầy không khí, tuy nhiên khi viêm xoang hình thành, chức năng dẫn lưu dịch bị cản trở, từ đó dẫn đến hiện tượng tắc nghẽn dịch nhầy, tạo điều kiện cho vi sinh vật gây bệnh phát triển.
Mối liên hệ giữa viêm xoang và polyp mũi xoang
2. Phân Loại Viêm Xoang
Nhiễm trùng xoang dưới 4 tuần thì được gọi là viêm xoang cấp tính. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh kéo dài trên 8 tuần thì rất có thể bạn đã bị viêm xoang mãn tính và lúc này quá trình điều trị sẽ khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều.
2.1 Phân loại dựa trên mức độ bệnh
2.1.1- Viêm xoang cấp tính
Viêm xoang cấp tính xảy ra do nguyên nhân nhiễm trùng đường hô hấp trên với các triệu chứng giống như cảm lạnh (đau đầu, chảy nước mũi/ nghẹt mũi, sốt, giảm độ nhạy của khứu giác, hôi miệng, đau quanh mắt, mũi và má…). Viêm xoang cấp có hai loại: viêm mũi xoang do vi khuẩn và và viêm mũi xoang do virus cấp tính. Phổ biến hơn là viêm mũi họng do virus. Bệnh thường hết trong vòng 1 – 4 tuần. (1)
2.1.2 – Viêm xoang bán cấp
Nếu các triệu chứng trên kéo dài 4 – 12 tuần, bạn có thể đã bước sang giai đoạn viêm xoang bán cấp. So với viêm xoang cấp tính, các triệu chứng của viêm xoang bán cấp thường ít nghiêm trọng hơn nhưng được xem là giai đoạn chuyển tiếp giữa viêm xoang cấp tính và mãn tính.
2.1.3- Viêm xoang mãn tính
Tình trạng viêm xoang kéo dài hơn 12 tuần, đồng nghĩa với việc người bệnh đã chuyển sang viêm xoang mãn tính (viêm xoang mạn). Nguyên nhân có thể do nhiễm trùng, nhưng chủ yếu đến từ polyp mũi (các khối u có cuống mềm hình thành ở niêm mạc) và vách ngăn mũi bị lệch.
Tình trạng dị ứng với một số loại nấm, hoặc nhiễm nấm xoang cũng được xem là nguyên nhân gây viêm xoang mãn tính. Viêm xoang mạn được chia thành 3 loại: viêm mũi họng mãn tính không có polyp, viêm mũi họng mãn tính có polyp và viêm mũi dị ứng do nấm. Thường gặp nhất là viêm mũi họng mãn tính không có polyp. Các triệu chứng cũng tương tự như viêm xoang cấp tính.
2.1.4- Viêm xoang tái phát
Là tình trạng người bệnh trải qua các đợt viêm xoang cấp tính lại nhiều lần trong vòng một năm. Bệnh thường gặp ở những người bị dị ứng và hen suyễn.
2.2 Phân loại dựa trên vị trí viêm
Ngoài viêm xoang cấp và mãn tính, nếu xét theo mặt cấu trúc thì viêm xoang còn được phân thành các dạng như:
2.2.1 – Viêm xoang mũi
Là tình trạng vi khuẩn, virus tấn công vào lớp niêm mạc lót ở xoang mũi làm cho vùng xoang mũi bị viêm nhiễm.
2.2.2 – Viêm xoang trán
Là tình trạng có dịch nhầy tiết ra quá nhiều ở các xoang ngay sau mắt, mũi, trán và mắt, làm tắc nghẽn và gây áp lực cho vùng thái dương và trán.
2.2.3 – Viêm xoang hàm
Là tình trạng các lớp niêm mạc bao phủ bề mặt xoang hàm (các hốc xoang nằm quanh vùng mắt và hai bên má) bị viêm nhiễm.
2.2.4 – Viêm xoang bướm
Là tình trạng phù nề, xuất hiện hiện tượng viêm nhiễm và dịch mủ ở xoang bướm (bộ phận nằm sâu dưới phần nền của hộp sọ, ở giữa xương cánh hai bên mũi).
2.2.5 – Viêm xoang sàng sau
Là tình trạng các xoang nằm ở phía sau gáy bị viêm nhiễm, xuất hiện nhiều dịch nhầy.
2.2.6 – Viêm xoang sàng trước
Là tình trạng xuất hiện viêm nhiễm ở vị trí xoang nằm ngay giữa xoang trán và xoang mũi, hốc mắt và hốc mũi.
2.2.7 – Viêm đa xoang
Là tình trạng nhiễm trùng xoang nguy hiểm khi tất cả các xoang đều bị viêm nhiễm.
3. Nguyên nhân bệnh viêm xoang
Viêm xoang là một trong những bệnh lý Tai – Mũi – Họng hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau, điển hình như:
- Do sự tấn công của các loại virus, vi khuẩn thường cơ trú tại đường hô hấp như Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae, trực khuẩn mủ xanh (P.aeruginosa), E.coli, tụ cầu và liên cầu khuẩn…
- Thường xuyên tiếp xúc, làm việc trong môi trường bị ô nhiễm
- Cơ địa dị ứng, thường xuyên bị dị ứng thức ăn, thuốc hoặc hóa chất,…khiến cho niêm mạc mũi bị phù nề.
- Không chú ý vệ sinh cá nhân, lười đánh răng, thường xuyên cho tay lên ngoáy mũi,…
- Hệ miễn dịch, sức đề kháng kém không đủ sức để chống trả lại sự tấn công của virus, vi khuẩn gây bệnh.
- Mắc các bệnh lý làm tăng nguy cơ viêm xoang, chẳng hạn như bệnh polyp, cảm lạnh thông thường, viêm mũi dị ứng, hen suyễn, nhiễm trùng răng, rối loạn hệ miễn dịch, viêm tai giữa, viêm amidan,…
- Có tiền sử bị trào ngược dạ dày thực quản.
- Thường xuyên hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Cấu trúc xoang bất thường như xoang hẹp, vách ngăn bị lệch bẩm sinh,…
- Mất cân bằng nội tiết tố cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến viêm xoang.
- Do cấu trúc màng nhầy hoạt động kém.
- Sự căng thẳng mệt mỏi trong thời gian dài cũng tác động đến màng nhầy và xoang.
II. Triệu chứng viêm xoang
Các dấu hiệu ban đầu của bệnh viêm xoang thường rất khó phát hiện, người bệnh thường chỉ phát hiện ra khi bệnh đã nặng dần khiến cho việc điều trị khó khăn hơn. Dưới đây là một số dấu hiệu ban đầu và các triệu chứng thường gặp.
1. Dấu hiệu viêm xoang:
- Chảy nước mũi
- Hắt hơi, sổ mũi
- Sốt nhẹ kéo dài
- Hơi thở có mùi hôi
- Cơ thể mệt mỏi
2. Triệu chứng viêm xoang nặng
- Chảy nước mũi liên tục
- Dịch mũi từ loãng, trong dần dần chuyển sang đặc, có màu sắc bất thường (với viêm xoang trước, dịch mũi chảy ra mũi trước; viêm xoang sau, dịch mũi sẽ chảy xuống cổ họng, nếu không điều trị sớm có thể gây viêm họng)
- Thường xuyên bị nghẹt 1 bên mũi hoặc cả hai và dẫn đến tình trạng khó thở, thở khò khè
- Đau nhức vùng má (viêm xoang hàm), đau nhức giữa hai mắt (viêm xoang sàng trước), đau nhức tập trung ở vùng gáy (viêm xoang bướm, viêm sàng sau), đau ở giữa hai lông mày (viêm xoang trán)
- Vị giác và khứu giác suy giảm, khó nhận biết được các mùi vị.
>> >> Phân biệt giữa viêm xoang và viêm mũi dị ứng chuẩn nhất
III. Cách Chữa Viêm Xoang Hiện Nay
1. Dùng thuốc điều trị bệnh xoang
1.1 Thuốc chữa viêm xoang mũi dạng xịt, nhỏ
Thuốc chữa viêm xoang mũi dạng xịt và nhỏ có tác dụng rửa mũi, làm sạch mũi, giảm nghẹt mũi gồm các loại sau:
- Nước muối sinh lý: Sử dụng nước muối sinh lý để xịt và rửa mũi giúp loại bỏ các chất nhầy dư thừa, làm sạch xoang mũi, giảm triệu chứng nghẹt mũi.
- Thuốc xịt mũi có chứa corticoid: Sử dụng thuốc xịt mũi có chứa corticoid có tác dụng dự phòng và làm giảm tình trạng viêm mũi. Thuốc làm giảm các triệu chứng như ngứa mũi, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, phù niêm mạc mũi. Các thuốc corticoid thường dùng là: beclomethasone dipropionate, budesonide, fluticasone propionate, triamcinolone acetonide.
- Các loại khác: Một số thuốc chữa viêm xoang mũi dạng xịt có chứa các chất như chlorzoxazone, naphazoline, phenylephrine hoặc pseudoephedrine… có tác dụng co mạch tại chỗ, giảm viêm, thông mũi. Thuốc khởi phát tác dụng nhanh khoảng 1 – 3 phút sau khi xịt. Tuy nhiên, việc dùng kéo dài các loại thuốc này có thể gây nặng nề hơn tình trạng viêm nên không tự ý dùng dài ngày mà không có chỉ định của Bác sĩ.
1.2 Thuốc chữa viêm xoang mũi dạng uống
- Thuốc thông mũi: Thuốc chữa viêm xoang mũi dạng uống (dạng viên nang hoặc siro) chứa các hoạt chất có tác dụng tương tự ephedrine hoặc phenylephrine… gây co mạch, tăng đào thoát dịch đọng trong khoang mũi nhanh hơn, làm cho mũi trở nên thông thoáng và dễ thở hơn. Tuy nhiên, các thuốc này có thể gây ra một vài tác dụng phụ không mong muốn như: tăng huyết áp, kích thích hệ thần kinh trung ương…
- Thuốc giảm đau: Trong một vài đợt viêm xoang cấp tính, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng thêm thuốc giảm đau và hạ sốt nếu có kèm theo các triệu chứng như đau nhức vùng mặt, trán. Các loại thuốc giảm đau thường dùng là acetaminophen, aspirin, ibuprofen, paracetamol, … Tuy nhiên, cần lưu ý với trường hợp bệnh nhân bị hen suyễn nhạy cảm với aspirin, ibuprofen. Do đó, việc sử dụng thuốc cần được bác sĩ tư vấn.
2. Phẫu thuật điều trị bệnh xoang
Phẫu thuật có thể được tiến hành nếu tất cả các giải pháp trên không phát huy hiệu quả. Thủ thuật phẫu thuật có thể làm sạch xoang, loại bỏ poly hoặc điều chỉnh vách ngăn bị lệch.
3. Sử dụng các bài thuốc chưa viêm xoang dân gian.
Có rất nhiều các bài thuốc dân gian là được sử dụng trong điều trị viêm xoang và mang lại hiệu quả cao. Bạn đọc có thể tham khảo chi tiết tại bài viết dưới đây:
>>> 10 Bài Thuốc Dân Gian Điều Trị Viêm Xoang
IV. Một số câu hỏi thường gặp ở bệnh viêm xoang.
1. Bệnh viêm xoang có nguy hiểm không?
Tưởng chừng chỉ là một căn bệnh về đường hô hấp đơn giản, nhưng các chuyên gia Tai – Mũi – Họng khẳng định bệnh viêm xoang có nguy hiểm. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có khả năng cao phải đối mặt với một số biến chứng như:
- Biến chứng đường hô hấp: Viêm họng, viêm phế quản cấp tính, viêm phế quản mạn tính, viêm thanh quản
- Biến chứng ở mắt: Viêm ổ mắt, Áp xe mi mắt, viêm túi lệ, viêm tấy ổ mắt, viêm dây thần kinh thị giác sau nhãn cầu, viêm phần phụ mắt,…
- Biến chứng não: Nhiễm trùng não, viêm màng não, áp xe não,…
- Biến chứng viêm xoang ở tai: Khoang mũi thông với tai nên khi bị viêm mũi, dịch mủ có thể lan tới tai gây viêm tai giữa, thậm chí nặng hơn nữa là dịch mủ tạo áp lực làm thủng màng nhĩ, dẫn đến điếc.
Ngoài ra, người bệnh có thể gặp biến chứng viêm xoang ở mạch máu hoặc xương. Theo các chuyên gia y tế, khi gặp các biến chứng viêm xoang, mọi người có thể thấy hiện tượng mắt hoặc hốc mắt sưng đỏ; đau mắt mỗi khi cử động mắt; thị lực thay đổi hoặc đau đầu như búa bổ; co giật; cổ căng cứng; suy giảm trí nhớ,…
2. Bệnh viêm xoang có chữa được không?
Trường hợp viêm xoang cấp tính nếu được điều trị đúng cách sẽ khỏi hoàn toàn mà không để lại biến chứng nào.
Tuy nhiên trường hợp viêm xoang mạn tính, quá trình điều trị sẽ kéo dài hơn thậm chí cần can thiệp phẫu thuật. Ngoài ra, viêm xoang dị ứng hay cơ địa sẽ điều trị khó khăn do liên quan đến môi trường, thời tiết…
Nếu bạn có các triệu chứng viêm xoang, cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám, nội soi hoặc chụp cắt lớp mũi xoang để xác định rõ nguyên nhân viêm xoang do vi khuẩn, nấm, dị ứng hay do dị dạng cấu trúc… từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.
3. Viêm xoang có lây không?
Một trong những nguyên nhân gây viêm xoang là do virus. Thông thường virus có thể lây sang người khác qua các giọt bắn trong không khí khi ai đó hắt hơi hoặc ho, virus có thể bám lên vật dụng công cộng (như tay nắm cửa, thanh chắn, các bề mặt phẳng…) và vô tình bạn chạm tay vào rồi đưa lên mắt, mũi.
Thế nhưng, điều này không đồng nghĩa với việc người nhiễm virus gây viêm xoang chắc chắn sẽ mắc bệnh viêm xoang, mà có thể đó chỉ là những dấu hiệu cảm lạnh thông thường. Do đó, phần lớn các bệnh nhiễm trùng xoang không được xem là bệnh truyền nhiễm
4. Làm gì khi phát hiện viêm xoang?
Khi thấy các dấu hiệu viêm xoang, người bệnh nên đi khám chuyên khoa tai mũi họng để được kiểm tra chính xác tình trạng bệnh. Từ đó có các phương pháp điều trị phù hợp như: sử dụng thuốc, hút rửa mũi xoang, xông mũi, phẫu thuật…
5. Người bị viêm xoang nên ăn gì?
Để bệnh viêm xoang nhanh chóng được điều trị khỏi, bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt. Vậy bệnh nhân viêm xoang nên ăn gì, kiêng gì? Chúng tôi sẽ giải đáp ngay sau đây.
- Thức ăn giàu kẽm: Nghêu, sò,…
- Thực phẩm giàu omega 3: Dầu cá, cá hồi, cá mòi, cá nục…
- Thực phẩm giàu vitamin C: Cam, bưởi, chuối, kiwi, rau xanh…
- Thực phẩm giàu tiền sinh tố A: Đu đủ, bí đỏ, khoai lang…
6. Người bị viêm xoang kiêng ăn gì?
- Sữa và chế phẩm từ sữa
- Nhóm thực phẩm gây dị ứng như tôm, hải sản, đậu nành, đậu phộng,…
- Thực phẩm cay nóng
- Đồ lạnh
- Thực phẩm chứa chất kích thích
- Đồ ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ
- Đường tinh luyện
7. Đối tượng dễ mắc viêm xoang?
Người có nguy cơ cao bị viêm xoang cấp và mãn tính nếu rơi vào những trường hợp sau:
- Vách ngăn mũi lệch
- Có polyp mũi
- Bị hen suyễn
- Nhiễm trùng răng và nướu
- Hệ thống miễn dịch yếu
- Cơ địa bị dị ứng
- Tiếp xúc nhiều với môi trường ô nhiễm như khói thuốc lá, khói bụi…
8. Làm sao đề phòng ngừa bệnh xoang?
8.1 Phòng ngừa viêm xong đối với người lớn
- Chú ý đến việc phòng tránh nhiễm trùng đường hô hấp trên: hạn chế tiếp xúc với người bị cảm lạnh, rửa tay đúng cách trước mỗi bữa ăn, giữ ấm cơ thể.
- Tránh xa môi trường khói thuốc và không khí ô nhiễm giúp hạn chế nguy cơ gây kích ứng, viêm phổi và đường hô hấp.
- Chú ý đến các yếu tố gây dị ứng đường hô hấp như lông chó mèo, phấn hoa, nước hoa…
- Sử dụng máy tạo độ ẩm. Thêm độ ẩm vào không khí sẽ giúp ngăn ngừa viêm xoang. Lưu ý, vệ sinh thường xuyên máy để duy trì tình trạng máy luôn sạch và không có nấm mốc sinh sôi.
- Lông vật nuôi có thể là tác nhân gây dị ứng mà bệnh nhân viêm xoang cần tránh
8.2 Phòng ngừa viêm xong đối với trẻ em
- Vệ sinh mũi cho trẻ đúng cách, đúng liều lượng bằng dung dịch nước muối (dạng xịt hoặc nhỏ)
- Sử dụng máy tạo độ ẩm nếu không khí trong phòng quá khô.
- Tránh tối đa việc trẻ hít phải khói thuốc hay các tác nhân gây dị ứng cho trẻ.
- Hạn chế cho trẻ đi bơi/ lặn quá lâu ở các hồ bơi chứa clo để không gây kích ứng mũi và xoang của trẻ.
- Hướng dẫn trẻ đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách bằng xà phòng và nước.
- Tuân thủ việc tiêm chủng cho trẻ đúng lịch, đặc biệt là tiêm vắc xin ngừa cúm và các bệnh về đường hô hấp (viêm phổi, viêm phế cầu…).
- Không để trẻ tiếp xúc gần với người bị cảm lạnh hoặc người bị nhiễm trùng đường hô hấp trên.
- Khi trẻ bị nghẹt mũi, sổ mũi kéo dài, cần đưa trẻ đi khám và điều trị đúng cách tại các chuyên khoa Tai – Mũi – Họng.
Lưu ý:
Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sỹ trước khi tiến hành điều trị. Hoaianshop.com không chịu trách nhiệm với các nội dung trên.
Bài viết được tổng hợp từ các nguồn tài liệu tham khảo
- https://syt.baclieu.gov.vn/vi/-/viem-xoang
- http://benhvien108.vn/dau-hieu-viem-xoang.htm
- https://www.vinmec.com/vi/benh/viem-xoang-2953/
- https://tamanhhospital.vn/benh-viem-xoang/
- https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cac-loai-thuoc-chua-viem-xoang-mui-thuong-dung/