Răng khôn (răng số 8 hay răng hàm lớn số 3) là chiếc răng mọc ở vị trí cuối cùng của hàm. Nếu bạn thuộc nhóm đối tượng có răng khôn bạn sẽ cần tham khảo bài viết này để hiểu rõ hơn về răng khôn, các mối nguy hiểm có thể gặp phải nếu không tiến hành nhổ và còn nhiều thông tin hữu ích khác.
Mục Lục
1. Tổng Quan Về Răng Khôn.
1.1 Răng khôn là gì?
Răng khôn (răng số 8 hay răng hàm lớn số 3) là chiếc răng mọc ở vị trí cuối cùng của hàm sau khi con người đã mọc đủ 14 răng hàm trên và 14 răng hàm dưới. Thông thường, 4 chiếc răng khôn sẽ mọc vào thời gian 18-25 tuổi khi các răng vĩnh viễn khác đã ổn định. Do đó, khuôn răng không có vị trí cho răng khôn nên nó dễ bị mọc lệch, mọc ngầm hoặc kẹt trong xương hàm gây ra nhiều khó chịu cho con người.
1.2 Mỗi người có bao nhiêu chiếc răng khôn?
Thông thường sẽ có 4 chiếc răng khôn, 2 ở hàm trên và 2 ở hàm dưới. Tuy nhiên trên thực tế, không phải ai cũng mọc đầy đủ 4 răng khôn, có trường hợp chỉ mọc 1, 2, 3 răng khôn, thậm chí không mọc chiếc nào.
1.3 Răng khôn có tác dụng gì?
Cũng như các chiếc răng khác, răng khôn cũng tham gia và làm tốt hơn cho chức năng nhai nghiền thức ăn của cung hàm. Nếu răng khôn mọc thẳng giống các răng bình thường thì nó sẽ góp phần rất lớn giúp cho chức năng nhai trở nên tốt hơn. Nhờ có răng khôn mà hàm sẽ mạnh khỏe hơn, khả năng nghiền nát thức ăn tốt hơn.
Ngoài ra răng khôn cũng có tác dụng giúp lấp đầy cung hàm ở những người niềng răng: Trong một số trường hợp đặc biệt, ví dụ như bạn bị mất đi chiếc răng số 6 vì một lý do nào đó trong khi chiếc răng khôn của bạn lại mọc lên rất thuận lợi thì nha sĩ sẽ kéo toàn bộ răng ở sau tiến ra phía trước để lấp đầy khoảng trống của răng số 6 bị mất. Lúc này, răng số 7 sẽ thay cho chiếc răng bị mất còn răng khôn sẽ thay vào vị trí của chiếc răng số 7.
1.4 Những tác hại do răng khôn gây ra.
- Gây sâu răng: Răng khôn mọc lệch sẽ tạo ra những khe giắt thức ăn tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây sâu răng khôn và có thể lan truyền sang răng bên cạnh.
- Viêm lợi trùm: Do răng mọc lệch, không đúng chỗ khiến việc vệ sinh làm sạch bị cản trở hoặc khó khăn. Điều này rất dễ gây viêm nhiễm, sưng đỏ, đau quanh thân răng và có thể tạo túi mủ áp xe.
- Nang thân răng: Các răng khôn mọc ngầm trong xương có thể tạo thành nang thân răng tiến triển âm thầm, nếu không được điều trị, xương hàm sẽ bị tiêu dần dần.
- Làm hỏng răng số 7: Trường hợp răng khôn mọc lệch có thể đâm vào răng số 7 làm hỏng răng này.
- Viêm xương hàm: Viêm nhiễm kéo dài có thể dẫn đến phá hủy xương xung quanh răng và các răng bên cạnh. Đặc biệt trong trường hợp nặng sẽ gây viêm xương hàm và nhiễm trùng huyết.
- Chen chúc răng: Răng khôn mọc lệch có thể làm các răng khác chen chúc nhau.
- Khít hàm: Răng khôn mọc lệch thường kèm theo nhiễm trùng gây đau, khó ăn nhai và khó cử động hàm.
- U nguyên bào men: Là trường hợp hiếm gặp. Phương pháp điều trị thường là phải cắt đoạn xương hàm.
1.5 Các dấu hiệu mọc răng khôn.
- Đau nhức quanh lợi. Ngay khi răng bắt đầu nhú lên, người bệnh sẽ cảm thấy ê nhức từ bên trong, răng càng nhú lên thì cơn đau càng dữ dội và kéo dài.
- Sưng lợi: Khi mọc răng khôn người bệnh thấy hàm của mình nặng nề hơn và gặp khó khăn trong việc cử động cơ miệng gây ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống và giao tiếp. Thậm chí nuốt nước bọt cũng đau và nhiều khi không mở được hàm.
- Chán ăn: Đau nhức, mệt mỏi khiến bệnh nhân chán ăn, không nhai được. Bên cạnh đó, khi thức ăn không may đụng vào phần lợi đang sưng sẽ gây ra cảm giác đau buốt và không muốn ăn.
- Đau nhức đầu và có thể sốt: Sốt nhẹ là dấu hiệu phổ biến khi mọc răng khôn. Những cơn đau nhức, sưng tấy là nguyên nhân gây sốt, tuy nhiên khi răng đã ổn định những cơn sốt cũng sẽ biến mất nhanh.
1.6 Vì sao răng khôn bị đau nhức.
Một số nguyên nhân dẫn đến chúng ta cảm thấy bị đau nhức ở răng khôn và các răng kề bên:
- Răng khôn bị sâu, viêm và có mủ.
- Răng khôn mọc lệch va vào răng bên cạnh.
- Răng khôn đang mọc lên.
1. 7 Cần làm gì khi mọc răng khôn?
Chúng ta không cần quá lo lắng về việc mọc răng khôn vì nó xảy ra rất phổ biến nên mức độ nguy hiểm của nó cũng không quá nguy hiểm. Nhiều trường hợp chúng ta cũng không cần phải nhổ răng khôn khi nó mọc lên.
Dưới đây là một số lưu ý cần làm nếu bạn phát hiện ra mình đang có dấu hiệu mọc răng khôn:
- Sử dụng các loại thuốc kháng viêm và giảm đau theo tư vấn của bác sỹ, dược sỹ, nha sỹ.
- Đến bệnh viện hoặc các cơ sở nha khoa uy tín để nha sĩ thăm khám, chụp X-quang răng xem có vấn đề bất thường nào không hoặc xác định chính xác tổn thương có ở bên trong răng.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc nha sĩ xem có nên nhổ răng khôn hay không vì có những trường hợp răng khôn mọc ngầm, mọc xiên,… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu trúc xương hàm.
2. Nhổ Răng Khôn Và Những Điều Cần Biết
2.1 Khi nào thì nên nhổ răng khôn?
Không phải lúc nào có răng khôn cũng cần phải nhổ bỏ, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân nhổ răng trong một số trường hợp sau:
- Răng khôn mọc lệch có nguy cơ đâm vào răng bên cạnh.
- Răng khôn bị sâu, viêm nghiễm, có hiện tượng tiêu hoặc có nguy cơ tiêu xương.
- Có khe giắt giữa răng khôn và răng bên cạnh, có nguy cơ ảnh hưởng đến những răng bên cạnh.
- Răng khôn mọc gây nên những biến chứng đau, u nang, nhiễm trùng tái phát, gây ảnh hưởng nhiều đến răng lân cận.
- Răng mọc thẳng, đủ chỗ nhưng không có răng đối diện ăn khớp, làm răng trồi dài tới hàm đối diện gây lở loét nướu ở hàm và gây nhồi nhét thức ăn.
- Có hiện tượng sâu hoặc viêm nha chu ở răng khôn.
- Răng khôn mọc, có liên quan đến các bệnh lý toàn thân.
2.2 Các trường hợp không cần nhổ răng khôn.
Hầu hết các trường hợp bác sĩ hoặc nha sĩ sẽ khuyên chúng ta nên nhổ bỏ răng khôn vì có rất nhiều mối nguy hại tiềm ẩn có thể xảy ra trong khi tác dụng của nó không nhiều. Nhưng trong một số trường hợp dưới đấy chúng ra có thể cân nhắc giữ lại.
- Răng khôn mọc thẳng, đẹp, không bị kẹt với mô xương và nướu, không gây biến chứng.
- Bệnh nhân mắc các bệnh lý mạn tính như tim mạch, rối loạn đông cầm máu, đái tháo đường…
- Răng khôn liên quan trực tiếp đến một số cấu trúc quan trọng như xoang hàm, dây thần kinh…
Trường hợp này nếu giữ lại thì chúng ta cần dùng chỉ nha khoa và bàn chải chuyên dụng để làm sạch triệt để tránh nguy cơ răng khôn bị sâu, viêm nhiệm do thức ăn thừa mắc kẹt gây lên..
2.3 Lưu ý trước khi nhổ răng khôn.
Dưới đây là một số lưu ý trước khi bạn tiến hành nhổ răng khôn:
- Ăn thật lo trước khi tiến hành nhổ răng khôn vì sau khi nhổ việc ăn sẽ khó khăn, việc ăn lo trước khi nhổ sẽ giúp bạn có đủ năng lượng cho đến khi vết mổ ngừng chảy máu.
- Thời gian nhổ thích hợp nhất là từ 9h sáng – 16h chiều, sau 9h sáng để bạn có thời gian ăn trước và nghỉ ngơi một chút trước khi nhổ răng khôn. Trước 16h chiều để nha sĩ có đủ thời gian xử lý nếu xảy ra sự cố sau khi tiểu phẫu nhổ răng khôn.
- Bạn không nên nhổ khi răng đang đau, viêm nhiễm, nếu đau quá hãy uống giảm đau kết hợp với các kháng sinh giúp giảm viêm, sưng.
2.4 Nhổ răng khôn có nguy hiểm hay không?
Nhổ răng khôn là thủ thuật khá đơn giản và không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, chúng ta cần thực hiện ở các địa chỉ uy tín tránh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm có thể găp phải dưới đây:
- Viêm xương ở ổ răng: Là khi các cục máu đông không thể hình thành sau khi nhổ răng. Khi gặp biến chứng này bệnh nhân sẽ cảm thấy đau liên tục 5-6 ngày kèm theo đó là tình trạng đau tai, hơi thở có mùi…
- Vệ sinh không đảm bảo gây nhiễm trùng: Thông thường là do dụng cụ nhổ răng không đảm bảo, phòng phẫu thuật khử trùng chưa đúng tiêu chuẩn. Nhiễm trùng có thể khiến bệnh nhân bị đau nhức dữ dội 1-2 tuần.
- Tổn thương dây thần kinh: Biểu hiện thường là ngứa ran, tê các khu vực lưỡi, môi, căm và nướu. Biến chứng này không nguy hiểm và có thể tự khỏi sau vài tuần.
- Chảy máu kéo dài, khó cầm máu: Hay gặp ở những người bị rối loạn đông máu và một số trường hợp hút thuốc lá, uống rượu bia ngay sau khi nhổ
2.5 Các bước nhổ răng khôn an toàn.
Dưới đây là quy trình giúp nhổ răng khôn an toàn, mọi người có thể tự theo dõi ở các nhà khoa lựa chọn xem có đang ứng hay không để đảm bảo sức khoẻ của chính mình.
Bước 1: Thăm khám, chụp X- quang, tư vấn và báo giá.
- Nhổ răng khôn thường tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến chứng hơn so với những chiếc răng khác. Do vậy thăm khám là bước không thể thiếu trong một quy trình nhổ răng số 8.
- Nha sĩ sẽ kiểm tra, chuẩn đoán xem khách hàng có mắc các loại bệnh lý ảnh hưởng tới quá trình nhổ răng khôn không như: máu khó đông, tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp,…
- Tiếp đó bác sĩ sẽ thực hiện chụp X-quang răng để kiểm tra thế mọc, độ lệch của răng khôn hoặc cũng để kiểm tra xem có chiếc răng số 8 nào mọc ngầm bên dưới hay không.
- Từ ảnh chụp X-quang, bác sĩ sẽ xác định được mức độ khó nhổ của răng khôn, từ đó tư vấn chính xác phương pháp nhổ.
- Báo giá chi phí nhổ và các CTKM nếu có cho khách hàng.
Bước 2: Tiến hành sát khuẩn và gây tê/ gây mê
- Tiến hành sát khuẩn: sát khuẩn các công cụ dụng cụ, khoang miệng, nha sĩ và hỗ trợ phải đeo găng tay y tế.
- Dù chỉ là một cuộc tiểu phẫu, tuy nhiên gây tê là điều bắt buộc trước khi nhổ răng số 8. Kể cả là trường hợp răng khôn mọc thẳng, bác sĩ vẫn phải rạch lợi để rút răng ra. Thậm chí nếu nhổ răng khôn mọc ngầm & khách hàng tâm lý yếu thì có thể phải gây mê.
- Sau khi gây tê/ gây mê thì khách hàng sẽ tạm thời tê liệt ở khu vực nướu xung quanh răng khôn. Do đó sẽ không cảm nhận được bất kỳ sự đau đớn hay khó chịu nào
- Tùy vào độ khó của răng khôn, lượng thuốc tê được sử dụng cũng sẽ khác nhau. Ví dụ như khi nhổ răng số 8 mọc ngầm, lượng thuốc tê sẽ nhiều hơn tương đối so với khi nhổ răng mọc thẳng.
Bước 3: Rạch lợi, mở xương
- Răng khôn thường có cấu trúc rất to, nhiều chân và liên kết rất chặt với xương hàm. Do đó một quy trình nhổ răng số 8 chuẩn sẽ không thể thiếu bước rạch lợi, mở xương.
- Bác sĩ sẽ mở một đường trên nướu và thực hiện bóc tách các lớp xương bằng khí cụ chuyên dụng. Khi xương đã được khai thông, tùy vào từng tình huống mà bác sĩ sẽ có cách nhổ răng khác nhau.
Bước 4: Nhổ răng khôn
- Thông thường với trường hợp răng khôn mọc thẳng, bác sĩ chỉ cần dùng lực để rút răng ra khỏi ổ. Trường hợp này tương đối đơn giản, nhẹ nhàng và tốn rất ít thời gian.
- Trường hợp răng số 8 mọc lệch nhẹ, tùy thuộc vào sự ảnh hưởng tới mô mềm hoặc dây thần kinh khi rút răng ra mà sẽ có các cách nhổ khác nhau. Nếu bác sĩ nhận thấy rút răng khôn ra sẽ làm dập mô mềm, đứt dây thần kinh thì sẽ phải thực hiện cưa răng và gắp ra từng phần.
- Nếu răng khôn mọc lệch nhiều, mọc ngầm thì chắc chắn bác sĩ phải chia răng thành nhiều phần, sau đó mới bẩy và gắp các mảnh răng còn lại ra. Thông thường quy trình nhổ răng khôn mọc ngầm tương đối lâu, mất khoảng 15 – 20 phút mới rút được toàn bộ răng ra.
Bước 5: Khâu, đóng vết thương
- Kết thúc quy trình nhổ răng số 8, bác sĩ sẽ làm sạch thương lần cuối bằng nước tinh khiết. Sau đó khâu vết thương lại với chỉ nha khoa.
- Cuối cùng khách hàng sẽ cắn một miếng bông gòn để cầm máu & lưu lại nha khoa khoảng 30 phút để theo dõi. Sau đó, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau và dặn dò một vài lưu ý để chăm sóc răng khôn.
- Bạn có thể quay lại kiểm tra vào ngày hôm sau.
Video mô tả quá trình nhổ răng khôn mọc lệch.
2.6 Một số lưu ý khác sau khi nhổ răng khôn
Sau khi nhổ răng khôn nha sĩ, bác sĩ sẽ có những tư vấn nhắc nhở bạn những lưu ý khi sinh hoạt tại nhà, tuy nhiên nếu bạn có quên thì dưới đây là một số lưu ý bạn tham khảo nhé:
- Ngay sau khi phẫu thuật nhổ răng khôn, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân ngồi tại chỗ và cắn gạc trong khoảng 30phút.
- Sau khi về nhà khoảng 30 – 60 phút bạn thay gạc mới và tiếp tục cắn gạc cho đến khi ngừng chảy màu. Thông thường sau khoảng 2 tiếng sẽ ngừng chảy.
- Hạn chế nói và vận động mạnh, nên nghỉ ngơi thư giãn.
- Uống thuốc theo đúng liều lượng bác sĩ đã kê đơn.
- Trong vòng 24h đầu tiên không nên dùng bàn chải đánh răng, chỉ cần xúc miệng nhẹ nhàng để loại bỏ bớt thức ăn thừa. (Tham khảo Anka Ginger nước xúc miệng thảo dược )
- Lưu ý không dùng mút chíp, nhổ vặt, chọc tay, đá lưỡi….khiến vị trí vừa nhổ răng khôn bị tổn thương.
- Sau 24h bạn có thể quy lại nha khoa nhờ nha sĩ kiểm tra cho bạn cho yên tâm.
- Sau 48h bạn có thể đánh răng nhẹ nhàng, ăn uống bình thường nhưng hạn chế các đồ ăn cứng, rắn, dai..
- Sau 7 ngày là bạn đã hoàn toàn bình phục như bình thường.
3. Chi Phí Nhổ Răng Khôn.
Chi phí luôn là một trong các vấn đề bận tâm khi lựa chọn nha khoa để tiến hành nhổ răng khổn, dưới đây Hoài An Pharma có tổng hợp bảng giá của một số nhà khoa trên toàn quốc để mọi người tham khảo:
3.1 Chi phí nhổ răng khôn khu vực Hà Nội
Nha khoa Trẻ – Thanh Xuân – Hà Nội
- Hàm trên: 1.200.000 ( mức 1) – 2.000.000 ( mức 2)
- Hàm dưới: 1.500.000 ( mức 1) – 2.300.000 ( mức 2)
- Website: https://nhakhoatre.com/
Đang cập nhật thêm….
3.2 Chi phí nhổ răng khôn khu vực Hồ Chí Minh
Nha khoa Bảo Việt – Thủ Đức – HCM
- Nhổ răng khôn: 600.000 – 1.200.000
- Tiểu phẫu răng khôn: 2.000.000 – 5.000.000
- Website tham khảo: https://nhakhoabaoviet.com.vn/
Nhà kho Đông Nam – Phú Nhuận / Quận 10 – HCM
- Hàm trên: 1.500.000
- Hàm dưới: 2.500.000
- Website: https://nhakhoadongnam.com/
Đang cập nhật thêm….
3.2 Chi phí nhổ răng khôn tại các tỉnh thành khác
Nha khoa Vân Anh – Từ Sơn – Bắc Ninh
- Hàm trên: 800.000 (độ khó 1) – 1.200.000 (độ khó 2) – 1.600.000 (độ khó 3)
- Hàm dưới: 1.200.000 (độ khó 1) – 1.800.000 (độ khó 2) – 2.400.000 (độ khó 3)
- Website tham khảo: https://nhakhoavananh.vn/
Đang cập nhật thêm….
4. Một Số Câu Hỏi Về Nhổ Răng Khôn Được Quan Tâm Nhiều
4.1 Sau nhổ răng khôn nên ăn gì?
Theo các bác sĩ, bạn nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, ăn những đồ ăn mềm, nhừ, hạn chế đồ cứng và dễ vỡ vụn như:
- Cháo, súp: Sau khi nhổ răng khôn, việc nhai thức ăn sẽ gặp nhiều khó khăn, vì vậy ăn cháo hoặc súp là lựa chọn tốt cho bạn. Để bổ sung thêm chất, hãy ăn thêm thịt, cá, bí đỏ,…. để đảm bảo dinh dưỡng.
- Quả trứng: Trứng là một nguồn dinh dưỡng tuyệt vời, cung cấp đa dạng các loại chất như vitamin, protein, khoáng chất,…
- Sữa chua: Sữa chua có tác dụng tăng sức đề kháng và chống lại những vi sinh vật gây hại. Thêm vào đó, hợp chất probiotics trong sữa chua sẽ giúp làm thuyên giảm tình trạng tiêu chảy, chóng mặt – những phản ứng phụ xảy ra khi bạn sử dụng thuốc kháng sinh sau phẫu thuật nhổ răng khôn
- Rau xanh, sinh tố trái cây: Trái cây, rau xanh cung cấp một lượng lớn vitamin, khoáng chất, chất xơ, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phục hồi sau nhổ răng. Để việc tiêu thụ những thực phẩm này dễ hơn, bạn nên chế biến thành sinh tố nhé.
4.2 Nhổ răng khôn kiêng ăn gì?
Để quá trình hồi phục nhanh chóng, bạn cần kiêng ăn một số thực phẩm như:
- Thực phẩm cay: Vì dễ khiến vết thương bị đau và kích ứng.
- Các loại trái cây có hạt: Bạn nên tránh ăn các loại quả này vì hạt dễ mắc kẹt ở khu vực ổ răng, cản trở quá trình lành của vết thương.
- Những thực phẩm cứng, dai: Những loại đồ ăn dai như bít tết, thịt gà…. cũng nằm trong danh sách cần kiêng sau khi nhổ răng vì chúng làm tăng nguy cơ bạn sẽ cắn vào má, môi, lưỡi vì lúc nãy các giác quan của bạn vẫn đang trong trạng thái tê.
- Thực phẩm giòn, dễ vỡ: Cần tránh ăn những thực phẩm như khoai tây chiên, bánh quy, snack, ngũ cốc, hạt…vì chúng dễ vỡ vụn, rơi vào khu vực ổ răng vừa nhổ và nếu không vệ sinh sạch sẽ có thể gây nên hiện tượng nhiễm trùng.
- Rượu: Rượu là một trong những loại đồ uống dễ gây kích ứng vết thương hoặc gây phản ứng với loại thuốc mà bác sĩ chỉ định trong đơn cần uống sau khi nhổ răng.
4.3. Nhổ răng khôn có ảnh hưởng đến sức khỏe không?
Ngoài câu hỏi khi nào nên nhổ răng khôn thì thắc mắc được nhiều người quan tâm lo lắng tiếp theo chính là nhổ răng khôn có ảnh hưởng đến sức khỏe không. Do khi nhổ răng khôn thường phức tạp hơn các vị trí răng khác do nằm trong cùng xương hàm và liên kết với nhiều dây thần kinh.
Nhổ răng khôn thực tế chỉ là thủ thuật nhổ răng thông thường mà hầu hết các nha sĩ đều có thể xử lý được. So với khi nhổ răng sữa hoặc các răng lung lay thì nhổ răng khôn dễ gặp tình trạng sưng đau hơn do có nhiều dây thần kinh xung quanh khu vực này và kích thước răng khá lớn.
Tuy nhiên những tình trạng biến chứng nhẹ như đau, sưng, khó cử động chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và hồi phục khi vết thương lành trở lại. Khi thăm khám thì ngoài việc hỏi khi nào nên nhổ răng khôn thì bạn cũng có thể hỏi thêm về các biến chứng có thể có khi nhổ răng để được tư vấn phù hợp với tình trạng hiện tại.
Đối với những người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp, tìm mạch thì thì cần phải có sự hướng dẫn của bác sĩ để có chỉ định phù hợp khi nào nên nhổ răng khôn. Bởi vì khi nhổ răng khôn nếu người bệnh có mắc các chứng bệnh này thì sẽ dễ gây ra các tai biến nha khoa. Chúng ta sẽ không thể tự quyết định nhổ răng khôn mà bác sĩ sẽ tư vấn khi nào nên nhổ răng khôn hoặc sử dụng các biện pháp khác giúp bạn cải thiện tình trạng.
4.4. Nhổ răng khôn đau bao nhiêu ngày?
Trước khi thực hiện thủ thuật nhổ răng khôn thì chúng ta sẽ được tiêm thuốc gây tê hàm răng khu vực thực hiện thủ thuật. Trong quá trình nhổ răng bạn sẽ không cảm giác đau cũng như sau khi nhổ răng thuốc tê còn thì chưa xuất hiện cảm giác đau mà chỉ sưng tấy đỏ.
Thông thường tình trạng đau nhức sau khi nhổ răng khôn sẽ bắt đầu từ 3 – 4 tiếng sau khi nhổ và giảm dần trong 2 – 3 này sau. Thông thường khoảng 1 tuần thì hiện tượng này hoàn toàn biến mất. Đối với mỗi người sẽ có thời gian hồi phục khác nhau và bạn có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau để giúp cải thiện tình trạng này nhanh hơn.
4.5 Răng khôn đang bị đau có thể nhổ được không?
Nếu răng khôn đang đau và viêm thì sẽ không thể mổ, chúng ta sẽ phải uống thuốc kháng viêm trong khoảng 2 ngày mới có thể tiến hành nhổ răng khôn. Việc này giúp hạn chế trường hợp bị nhiễm trùng khi tiểu phẫu.
(Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo được tổng hợp từ các nguồn tài liệu uy tín)
Nguồn tài liệu tham khảo:
https://medlatec.vn/tin-tuc/dau-hieu-nhan-biet-moc-rang-khon-va-truong-hop-can-phai-nho-s99-n28207
https://medlatec.vn/tin-tuc/nho-rang-khon-co-nguy-hiem-khong-nhung-luu-y-can-nam-s99-n29916
https://suckhoedoisong.vn/rang-khon-la-rang-nao-co-nen-nho-rang-khon-169220830100546533.htm
https://medlatec.vn/tin-tuc/khi-nao-nen-nho-rang-khon-va-nhung-cau-hoi-thuong-gap-s99-n25272
https://vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/rang-khon-co-tac-dung-gi-khi-nao-nen-nho/
https://benhvienthucuc.vn/nho-rang-khon-kieng-gi-de-hoi-phuc-nhanh/