Nhiều đứa trẻ nhìn bên ngoài có vẻ bình thường nhưng bên trong lại giấu nhiều tâm sự, rất cần được bố mẹ quan tâm, chia sẻ.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Jerry Bubrick, nhà tâm lý học lâm sàng tại Viện tâm trí trẻ em có trụ sở tại New York (Mỹ), nếu hỏi những câu mơ hồ, bố mẹ sẽ chỉ nhận được những câu trả lời chung chung như “con chẳng sao”. Để thấu hiểu và hỗ trợ tinh thần cho trẻ, Bubrick gợi ý mỗi ngày, các phụ huynh nên hỏi con các câu sau:
- Con học được gì trong ngày hôm nay?
- Hôm nay, con đã nghe được điều gì thú vị?
- Con đã làm gì vui trong ngày hôm nay?
- Con mong chờ làm gì nhất vào ngày mai?
- Hôm nay, điều gì khiến con cảm thấy khó khăn nhất?
- Con không thích điều gì trong hôm nay?
- Hôm nay, điều gì đã cản trở con có một ngày vui vẻ?
- Bố mẹ có thể làm gì để ngày hôm nay của con tốt hơn?
- Hôm nay bố/mẹ đã đọc được thứ này hay lắm. Bố/mẹ chia sẻ với con để xem con thấy thế nào nhé?
Như hầu hết mọi thứ trong cuộc sống, thời điểm trò chuyện vô cùng quan trọng.
“Trước giờ đi ngủ không phải thời điểm thích hợp bởi đứa trẻ cần nghỉ ngơi. Chưa kể, một số đứa trẻ bị căng thẳng hơn vào buổi đêm nên càng nói chuyện chúng càng thấy stress”, tiến sĩ Bubrick lưu ý.
Buổi sáng, ngay khi các con vừa dậy cũng không phải lúc nên nói chuyện. Theo tiến sĩ Bubrick, bố mẹ nên chọn những khoảng thời gian mà cả người lớn lẫn trẻ con đều cảm thấy thoải mái như bữa cơm tối, đi dạo.
Để các con cởi mở chia sẻ, bố mẹ có thể biến cuộc nói chuyện thành một trò chơi. “Ở nhà, tôi bày ra các trò chơi với hoa hồng. Mỗi phần của hoa hồng đại diện cho một câu hỏi mà người chơi cần trả lời. Ví dụ, cánh hoa là câu hỏi ‘bạn thích điều gì trong ngày hôm nay’, gai là câu hỏi ‘bạn điều không thích điều gì trong ngày hôm nay’ còn nụ hoa tượng trưng cho điều bạn mong chờ trong tương lai. Bố mẹ chơi mẫu và chia sẻ với con trước, sau đó trẻ sẽ làm theo”, tiến sĩ Bubrick nói.
Đối với trẻ nhỏ chưa đủ ngôn từ để diễn tả tâm trạng, bố mẹ có thể sử dụng các bức tranh mô tả cảm xúc để hiểu con. Còn với thanh thiếu niên, phụ huynh nên động viên nhẹ nhàng để con đào sâu chính cảm xúc của bản thân mình và sau đó chia sẻ với bố mẹ.
“Nếu gọi tên được cảm xúc, trẻ sẽ chế ngự được chúng”, tiến sĩ Bubrick kết luận.
Cuối cùng, bố mẹ đừng quên cho con biết là mình luôn luôn ở cạnh, sẵn sàng hỗ trợ con và mọi thứ đều có thể được giải quyết.