Tiểu đường tuýp 2 là bệnh phổ biến nhất, thường gặp ở những người trên 40 tuổi và đang có xu hướng trẻ hóa. Số ca bệnh ở thể này chiếm khoảng 90 – 95 % tổng số bệnh nhân bị đái tháo đường. Bệnh không biểu hiện triệu chứng cơ năng nên khó phát hiện.
>>Xem thêm: Bệnh Tiểu Đường Tuýp 1 (Type 1 Diabetes)
Mục Lục
Bệnh tiểu đường tuýp 2 là gì ?
Bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.
Những yếu tố nguy cơ cao dẫn đến bệnh đái tháo đường tuýp 2
- Béo phì: Những người thừa cân, béo phì có nguy cơ bị bệnh tiểu đường tuýp 2 do sự dư thừa mỡ trong cơ thể càng thúc đẩy quá trình đề kháng insulin.
- Tăng huyết áp: Là yếu tố nguy cơ chính của bệnh đái tháo đường. Tăng huyết áp được định nghĩa là áp lực của máu lên thành mạch từ 140/90mmHg trở lên.
- Tiền đái tháo đường: Đây là tình trạng rối loạn dung nạp glucose nhưng chưa đến mức chẩn đoán bệnh đái tháo đương. Nếu không có chế độ kiểm soát glucose kịp thời thì hơn 50% người bệnh sẽ tiến triển thành đái tháo đường type 2 sau 5 – 10 năm.
- Tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường tuýp 2: Có cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh đái tháo đường type2 thì nguy cơ bạn sẽ bị tiểu đường type 2.
- Chủng tộc: Người gốc Tây Ban Nha, người Mỹ gốc Phi, người Mỹ bản địa và người châu Á có nhiều khả năng mắc bệnh này.
- Tuổi: 45 tuổi trở lên làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2
- Rối loạn lipid máu: Những người rối loạn lipid máu tăng nguy cơ đề kháng insulin dễ dẫn đến bệnh đái tháo đường type 2.
- Các vấn đề sức khỏe tâm thần: Bao gồm tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm hoặc dùng thuốc chống loạn thần đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
- Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) .
- Sinh hoạt và lối sống không lành mạnh: như hút thuốc nhiều, uống nhiều rượu, ít tập thể dục.
Vậy khi trên cùng một bệnh nhân càng có nhiều yếu tố nguy cơ cao thì khả năng mắc bệnh đái tháo đường type2 càng cao và nhanh.
Cơ chế đầu tiên khi mới mắc bệnh tiểu đường tuýp 2
Đó là sự đề kháng insulin, điều đó có nghĩa là cơ thể bạn không sử dụng insulin đúng cách hay insulin không thực hiện được chức năng. Lúc đầu, tuyến tụy tạo thêm insulin để bù cho nó. Nhưng theo thời gian, tuyến tụy của bạn không thể theo kịp và không tiết ra đủ insulin để giữ cho mức đường huyết bình thường.
Một cách đơn giản hơn, bạn có thể hiểu insulin chính là những cầu nối đưa nguồn thức ăn quan trọng nhất trong cơ thể là glucose vào bên trong tế bào, giúp các tế bào sản sinh ra năng lượng.
Khi cơ thể bị khiếm khuyết insulin, đường không được đưa đầy đủ vào tế bào, lập tức tế bào của bạn sẽ bị đói đồng nghĩa với việc lượng glucose trong máu sẽ tăng cao.
Glucose tăng cao trong máu sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Tiểu đường tuýp 2
Chẩn đoán tiểu đường nói chung (theo hiệp hội đái tháo đường Mỹ):
- Đường huyết bất kì >11,1 mmol/l, kèm triệu chứng của tăng đường huyết (ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy nhiều)
- Đường huyết lúc đói (nhịn ăn >8-14h) >7 mmol trong 2 buổi sáng khác nhau
- Đường huyết 2 giờ sau khi uống 75g glucose >11,1 mmol/l (nghiệm pháp tăng đường huyết)
- HbA1C (định lượng bằng phương pháp sắc kí lỏng) >6,5%
Ngoài ra:
- Nghĩ đến tiểu đường tuýp 2 khi: xuất hiện ở người lớn >30 tuổi, triệu chứng lâm sàng không rầm rộ (phát hiện tình cờ), thể trạng béo, tiền sử đái tháo đường thai kì ở nữ
- Các xét nghiệm khác: Cholesterol, HDL-C, LDL-C, Triglycerid, tổng phân tích nước tiểu tìm protein niệu, xét nghiệm nước tiểu 24h
- Soi đáy mắt: tìm các tổn thương võng mạc
- Điện tâm đồ: tìm các dấu hiệu của bệnh mạch vành
- Đo chỉ số huyết áp cổ chan-cánh tay (ABI) phát hiện bệnh động mạch chi dưới
- Siêu âm doppler mạch máu
Các biện pháp điều trị bệnh Tiểu đường tuýp 2
Tiểu đường tuýp 2 có chữa được không? Hiện nay chưa thể chữa khỏi được tiểu đường. Điều cần làm là kiểm soát tốt đường máu và điều trị các bệnh lí kèm theo
- Điều trị tăng huyết áp: dùng các thuốc ức chế men chuyển/ức chế thụ thể đặc biệt khi có protein niệu (captopril, ibesartan, losartan..)
- Kiểm soát đường huyết: có thể dùng thuốc viên hoặc tiêm insulin tùy mức độ đường huyết và giai đoạn bệnh. Các thuốc viên có nhiều loại: metformin, gliclazid, sitaglyptin,.. Hiện nay có nhiều loại thuốc mới đem lại hiệu quả tốt: empagliflozin, dapagliflozin… Khi cần dùng insulin thì phải dùng theo phác đồ, tuân thủ giờ tiêm và liều lượng tránh bị tụt đường huyết. Các loại insulin gồm có: insulin thường (tác dụng rất nhanh và nhanh, insulin Lispro, Actrapid..), insulin bán chậm (NPH, Lente..), insulin chậm (ultralente..), insulin hỗn hợp (Mixtard..), insulin nền (Lantus)
- Điều trị rối loạn lipid máu: liệu pháp statin. Các thuốc thường dùng: rosuvastatin, atorvastatin..
Phác đồ điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2
Hướng dẫn điều trị này chỉ áp dụng cho những người mắc bệnh tiểu đường type 2 ở giai đoạn không có những bệnh cấp tính, như nhồi máu cơ tim, nhiễm trùng cấp, hoặc phẫu thuật, hoặc ung thư. Hướng dẫn điều trị này không áp dụng cho người dưới 18 tuổi mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Những điều chú ý khi lựa chọn thuốc điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2:
- Tuân thủ các nguyên tắc điều trị.
- Trên thực tế, tùy bệnh cảnh của từng người bệnh mà quyết định phương pháp điều trị. Lúc đầu có thể điều trị không dùng thuốc; nếu không đạt mục tiêu điều trị phải xem xét sử dụng thuốc.
- Thuốc lựa chọn ban đầu của chế độ đơn trị liệu nên dựa vào chỉ số khối cơ thể (BMI), nếu BMI < 23 nên chọn thuốc nhóm sulfonylurea, nếu BMI từ 23 trở lên, nên chọn nhóm metformin.
Những nguyên tắc sử dụng insulin khi phối hợp insulin và thuốc hạ glucose máu bằng đường uống:
- Cần giải thích cho người mặc bệnh tiểu đường tuýp 2 hiểu và yên tâm với phương pháp điều trị phối hợp với insulin, hướng dẫn người bệnh cách tự theo dõi khi dùng insulin.
- Chọn bút tiêm hoặc bơm tiêm phải phù hợp với loại insulin (1ml = 100 đơn vị hay 1ml = 40 đơn vị; 1ml = 50 đơn vị insulin).
Chỉ định sử dụng insulin:
- Nếu HbA1C > 9,0% mà mức glucose máu lúc đói > 15,0 mmol/l.
- Người bệnh đái tháo đường kèm mắc một bệnh cấp tính khác; ví dụ nhiễm trùng nặng, nhồi máu cơ tim, đột quỵ…
- Người bệnh tiểu đường suy thận có chống chỉ định dùng thuốc viên hạ glucose máu hoặc tổn thương gan…
- Người tiểu đường mang thai hoặc đái tháo đường thai kỳ.
- Người điều trị các thuốc hạ glucose máu bằng thuốc viên không hiệu quả; người bị dị ứng với các thuốc viên hạ glucose máu…
Bắt đầu dùng insulin:
- Thường liều sulfonylurea được giảm đi 50% và chỉ uống vào buổi sáng.
- Liều insulin thường bắt đầu với liều 0,1 UI/kg loại NPH, tiêm trước lúc đi ngủ hoặc
- Ngày hai mũi tiêm với insulin hỗn hợp (insulin mixt), tùy thuộc vào mức glucose huyết tương và/hoặc HbA1c.
Điều chỉnh liều insulin:
- Khi tăng liều sulfonylurea đến mức tối đa hoặc liệu pháp insulin đạt tới mức 0,3 UI/kg mà vẫn không làm hạ được lượng đường trong máu.
- Điều chỉnh mức liều insulin cứ 3-4 ngày/lần hoặc 2 lần/tuần.
Lưu ý: Tài liệu về phác đồ điều trị tiểu đường tuýp 2 được tham khảo tại vinmec ngày 26/1/2022 ( nguồn tài liệu )
Biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường tuýp 2
Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh và răng. Các biến chứng bệnh đái tháo đường type 2 bao gồm:
1. Biến chứng tim mạch
Bệnh tim mạch là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong ở người đái tháo đường. Ảnh hưởng do tăng đường huyết có thể gây ra các bệnh lý động mạch vành (dẫn đến nhồi máu cơ tim) và đột quỵ. Huyết áp cao, cholesterol cao, glucose máu cao và các yếu tố nguy cơ khác góp phần làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch.
2. Biến chứng thận
Bệnh tiểu đường tuýp 2 gây ra các tổn thương mạch máu nhỏ ở thận dẫn đến thận hoạt động kém hiệu quả hoặc suy thận. Bệnh thận phổ biến ở những người mắc tiểu đường hơn những người không mắc. Việc duy trì mức glucose máu và huyết áp bình thường làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh thận.
3. Bệnh thần kinh ngoại vi
Bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể gây tổn thương thần kinh khắp cơ thể khi glucose máu và huyết áp quá cao. Điều này dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, rối loạn cương dương và nhiều chức năng khác.
Trong các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là các chi, đặc biệt là bàn chân do cấu tạo giải phẫu thần kinh mạch máu và tư thế của con người khác biệt hơn các cơ quan khác. Tổn thương thần kinh ở vùng này được gọi là bệnh lý thần kinh ngoại biên và có thể dẫn đến đau, ngứa và mất cảm giác. Mất cảm giác là dấu hiệu đặc biệt nghiêm trọng vì nó khiến bạn mất chú ý với các chấn thương, dẫn đến nhiễm trùng nặng có thể phải cắt cụt chi. Những người tiểu đường có nguy cơ cắt cụt chi cao gấp 25 lần so với người bình thường.
4. Bệnh võng mạc mắt
Hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 sẽ phát triển một số loại bệnh về mắt làm giảm thị lực hoặc mù lòa. Mức glucose máu cao liên tục cùng với huyết áp tăng và cholesterol cao là những nguyên nhân chính gây ra bệnh lý võng mạc. Tình trạng này có thể được kiểm soát qua kiểm tra mắt thường xuyên. Giữ ổn định mức glucose máu và huyết áp gần hoặc bình thường.
5. Các biến chứng trong thời kỳ mang thai
Glucose máu cao trong thai kỳ có thể dẫn đến thai nhi bị quá cân. Điều này dễ dẫn đến các tai biến khi sinh nở chấn thương cho trẻ và mẹ; Nguy cơ hạ đường huyết đột ngột ở trẻ sau sinh; Trẻ bị phơi nhiễm glucose máu cao trong suốt thai kỳ có nguy cơ cao bị tiểu đường trong tương lai hơn các trẻ khác.
Đối tượng có nguy cơ dễ mắc đái tháo đường type 2
Những đối tượng dưới đây có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 cao hơn bình thường:
- Tiền sử gia đình có người mắc tiểu đường
- Tiền sử đái tháo đường thai kỳ
- Tuổi cao
- Dân tộc
- Chế độ ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh
- Chế độ dinh dưỡng kém trong thời kỳ mang thai
- Ít hoạt động thể chất
- Thừa cân, béo phì
- Tăng huyết áp
- Rối loạn lipid máu
- Rối loạn dung nạp glucose: Tình trạng đường huyết cao hơn bình thường nhưng chưa phải là bệnh đái tháo đường.
Làm sao để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2?
Khác với bệnh tiểu đường type 1 thì không thể dự phòng được nhưng khi chúng ta thay đổi hành vi và lối sống sinh hoạt phù hợp có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Bạn có thể phòng tránh bệnh đái tháo đường type 2 bằng thay đổi lối sống (chế độ ăn uống và luyện tập) phù hợp:
1. Điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp
Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới đã tổng hợp và đưa ra các khuyến nghị về chế độ ăn uống lành mạnh phòng ngừa mắc tiểu đường:
- Chọn nước, cà phê hoặc trà thay vì chọn nước ép trái cây có đường, ngọt, nước ngọt hoặc đồ uống có đường khác.
- Ăn ít nhất 3 suất rau mỗi ngày.
- Ăn tối đa 3 suất trái cây tươi mỗi ngày.
- Chọn một miếng trái cây tươi hoặc sữa chua không đường cho bữa ăn nhẹ.
- Hạn chế đồ uống có cồn.
- Chọn thịt nạc trắng, thịt gia cầm hoặc hải sản thay vì thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn.
- Chọn bơ đậu phộng thay vì chọn sô cô la hoặc mứt.
- Chọn bánh mì, gạo hoặc mỳ ống nguyên cám thay vì bánh mì trắng, gạo hoặc mì ống.
- Chọn chất béo không no (dầu ô liu, dầu canola, dầu ngô, hoặc dầu hướng dương) thay vì chất béo bão hòa ( bơ, chất béo động vật dầu dừa hoặc dầu cọ)
2. Luyện tập thể lực
- Cần kiểm tra biến chứng tim mạch, mắt, thần kinh, biến dạng chân trước khi luyện tập. Không luyện tập gắng sức khi glucose huyết tương > 250-270mg/dL và ceton niệu dương tính
- Đi bộ tổng cộng 150 phút mỗi tuần (30 phút mỗi ngày), không nên ngưng luyện tập 2 ngày liên tiếp. Mỗi tuần nên tập kháng lực 2-3 lần (nâng tạ,..)
- Người già, người đau khớp có thể chia tập nhiều lần trong ngày. Người trẻ nên tập khoảng 60 phút mỗi ngày, tập kháng lực ít nhất 3 lần mỗi tuần.
Khám và điều trị tiểu đường tuýp 2 ở đâu?
Hiện tại mọi người đều có thể xét nghiệm tiểu đường loại 2 tại tất cả các cơ sở y tế công lập hoặc tại các bệnh viện tư nhân trên toàn quốc, tuy nhiên đối với các bệnh viện hay phòng khám tư thì mọi người nên lựa chọn các bên uy tín để có thể yên tâm khám và điều trị.
Làm sao để tìm được cơ sở khám tại địa phương?
Đầu tiên thì mọi người nên ưu tiên các bệnh viên công lập từ cấp Huyện/ Quận trở nên. Nếu như khoảng cách xa thì bạn có thể khám tại các phòng khám tư nhân.
Để tìm kiếm các cơ sở này bạn chỉ cần search từ khóa như sau trên google: Địa chỉ khám tiểu đường tại + quận/huyện + tỉnh/ thành phố.
Ví dụ: địa chỉ khám tiểu đường tại quận đống đa, hà nội. và đây là kết quả
Danh sách một số bệnh viện, phòng khám tiểu đường tuýp 2 uy tín:
Một số cơ sở bệnh viện tư nhân lớn và uy tín như: medlatec, vinmec, thu cúc, hồng ngọc..
Tiểu đường tuýp 2 không phải là một bệnh lây nhiễm nhưng đang gia tăng với số lượng rất lớn ở nước ta bởi lối sống gắn liền với đô thị hóa và những thiếu sót về thông tin của người dân. Qua bài viết này hi vọng độc giả có cái nhìn tổng quan về bệnh tiểu đường tuýp 2 cũng như thu nhận cho mình những kiến thức bổ ích để phòng ngừa bệnh.
Một số từ khóa tìm kiểm về bệnh tiểu đường tuýp 2 trên google: Tiểu đường tuýp 2, đáo tháo đường tuýp 2, tiểu đường loại 2, tiểu đường type 2, Type 2 Diabetes…….
Lưu ý:
Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sỹ trước khi tiến hành điều trị. Vnpharmacist.com không chịu trách nhiệm với các nội dung trên.
Bài viết được tổng hợp từ các nguồn tài liệu tham khảo
https://medlatec.vn/tin-tuc/dai-thao-duong-type-2-nguyen-nhan-dau-hieu-va-cac-bien-chung-s195-n19734
https://hellobacsi.com/tieu-duong-dai-thao-duong/tieu-duong-type-2/benh-tieu-duong-tuyp-2/
https://hellobacsi.com/tieu-duong-dai-thao-duong/tieu-duong-type-2/benh-tieu-duong-tuyp-2/
https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/benh-tieu-duong-type-2-nguyen-nhan-bien-chung-nguy-hiem-doi-tuong-de-mac-nhat/
https://www.vinmec.com/vi/benh/tieu-duong-tuyp-2-3042/https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/benh-tieu-duong-type-2-co-chua-duoc-khong/
https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/dau-hieu-som-cua-tieu-duong-type-2/